Một bệnh nhân nữ 35 tuổi, là nhân viên y tế đến tái khám tại phòng khám hậu môn trực tràng tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM vì táo bón mạn tính kéo dài, số lần đi tiêu thường 1-2 lần/ tuần, phân cứng và thỉnh thoảng có bị tiêu ra máu đỏ tươi.
Bệnh nhân đã được theo dõi điều trị táo bón bởi nhiều bác sĩ tiêu hóa và ngoại tiêu hóa sau khi được nội soi đại tràng, chụp cắt lớp vi tính (CT scan) bụng có thuốc tương phản với chẩn đoán hội chứng ruột kích thích thể táo bón. Bệnh nhân đã được hướng dẫn thay đổi chế độ ăn và sử dụng các loại thuốc nhuận trường trong thời gian 2 năm.
Khi đến khám cô gần như có biểu hiện trầm cảm, lo lắng vì tình trạng táo bón mạn tính cứ tái phát trở lại sau khi ngưng thuốc một thời gian ngắn (1-2 tuần). Sau khi được tư vấn và thăm khám, bác sĩ cho thực hiện chụp X quang lưu thông đại tràng để khảo sát quá trình nhu động của đại tràng và chụp MRI động học sàn chậu khi đại tiện để chẩn đoán các rối loạn gây bế tắc đường ra khi đại tiện.
Kết quả khảo sát X quang lưu thông đại tràng cho thấy cô bị tình trạng đờ đại tràng, lưu thông của đại tràng chậm hơn bình thường.
Bệnh nhân được điều trị phẫu thuật nội soi cắt gần toàn bộ đại tràng, sau mổ không biến chứng. Tình trạng đại tiện của bệnh nhân cải thiện nhiều sau mổ và bệnh nhân ngưng được thuốc nhuận trường để hỗ trợ.
Bệnh nhân vẫn duy trì chế độ ăn chống táo bón với ăn nhiều chất xơ, uống đủ nước… và tập thể dục thường xuyên. Chất lượng cuộc sống của bệnh nhân dần cải thiện, cô tham gia công tác trở lại một cách nhiệt tình hơn và trở lại với cuộc sống bình thường.
Ths. BS Lê Châu Hoàng Quốc Chương, Khoa Hậu môn trực tràng, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết, đờ đại tràng là bệnh lý gây nên bởi tình trạng chậm lưu thông của phân trong khung đại tràng dẫn đến tình trạng táo bón mạn tính. Táo bón là một than phiền rất thường gặp ở những người đến khám tại phòng khám tiêu hóa hoặc phòng khám hậu môn trực tràng.
Táo bón được chia thành 4 thể trên lâm sàng: táo bón do chậm lưu thông đại tràng (hay còn gọi là bệnh lý đờ đại tràng) chiếm 42%, rối loạn hiệp đồng vận động các cơ sàn chậu khi đại tiện chiếm 12%, kết hợp cả hai bất thường này chiếm 25% và táo bón chức năng (nghĩa là không có bất kỳ một thương tổn nào được phát hiện gây ra bệnh táo bón) chiếm 20%.
Theo bác sĩ Chương, đờ đại tràng gây ra táo bón đi ngoài ít hơn. Bởi phân bị ứ đọng trong ruột không được đẩy ra ngoài, không thể hình thành khuôn phân. Số lần đi tiêu của bn giảm hơn 3 ngày mới đi tiêu được 1 lần. Phân đẩy ra ngoài được ở người đờ đại tràng thường có dạng cục nhỏ, vón, rắn, đôi khi có dính máu, màu đậm.
Đờ đại tràng còn gây đầy bụng, chướng hơi, không có hoặc giảm cảm giác muốn đi đại tiện, cảm giác chậm tiêu và ăn uống kém. Lâu dần làm cho người bệnh bị stress, lo âu, khó chịu, giảm năng suất lao động, không thoải mái trong cuộc sống.
Phân tồn tại lâu trong đại tràng và trực tràng mà không tống xuất ra được thì các chất thải của cơ thể sẽ tiếp xúc với niêm mạc đường ruột lâu hơn, gây ra viêm đại trực tràng và có thể liên quan đến ung thư trực tràng.
Bác sĩ Chương cho biết: "Mặc dù y học đã có những tiến bộ trong hiểu biết về sinh bệnh học, các phương pháp chẩn đoán và các thuốc điều trị cho đờ đại tràng trong khoảng 1 thập niên gần đây nhưng thực tế cho thấy tỷ lệ thất bại với điều trị nội khoa (điều trị bảo tồn) rất cao.
Lý do có thể là đáp ứng thuốc giảm dần theo thời gian, đặc biệt là nhóm thuốc nhuận tràng thẩm thấu hoặc thuốc nhuận tràng kích thích. Gần đây có một số loại thuốc mới để điều trị táo bón do đờ đại tràng như: nhóm thuốc đồng vận tác dụng kích thích thụ thể 5-HT4 (tegaserod, prucaloride) đem lại hiệu quả tốt và lâu dài lên sự vận động của hệ tiêu hóa; nhưng các loại thuốc này lại gây nên tác dụng phụ về tim mạch (gia tăng biến cố tim mạch) ở những người sử dụng kéo dài.
Do vậy việc sử dụng các loại thuốc mới cũng phải hết sức thận trọng và cần tham khảo ý kiến của các bác sĩ chuyên khoa"..
Một phương pháp điều trị đại tràng khác là dùng kích thích điện thông qua các điện cực đặt trên thành bụng hoặc được cấy ghép vào trong cơ thể để tạo ra dòng điện thích hợp về tần số và cường độ để kích thích sự co bóp của đại tràng.
Đây là một phương pháp điều trị thay thế ở các bệnh nhân thất bại điều trị thuốc hoặc bị nhiều tác dụng phụ của thuốc. Phương pháp điều trị này giúp bệnh nhân giảm liều thuốc hoặc ngưng được thuốc. Nhược điểm của phương pháp này là hiệu quả lâu dài kém, sau 1-2 năm chỉ đạt khoảng 75-78%.
Đối với phương pháp điều trị phẫu thuật thì chọn lựa phẫu thuật nội soi để cắt đại tràng một phần, cắt gần toàn bộ đại tràng hoặc cắt toàn bộ đại tràng có kết quả tương đối tốt ở những bệnh nhân đã thất bại với điều trị bằng thuốc. Hiệu quả của điều trị phẫu thuật đạt được 87-93%, thời gian theo dõi càng kéo dài thì hiệu quả của điều trị càng giảm xuống. Tuy nhiên, phẫu thuật này là loại phẫu thuật lớn và tương đối phức tạp, chỉ áp dụng được ở các trung tâm lớn.
Tóm lại, do nguyên nhân sinh bệnh thật sự chưa được hiểu rõ nên các phương pháp điều trị chỉ đem lại hiệu quả một phần và việc chọn lựa phương pháp điều trị không đúng sẽ làm bệnh nhân dễ nản lòng và thấy bệnh hay tái phát.
Bác sĩ Chương lưu ý, điều trị bệnh đờ đại tràng cần xác định những vấn đề như sau: thời gian mắc bệnh, các phương pháp điều trị trước đó và hiệu quả của các phương pháp này như thế nào, điều quan trọng nhất là xác định được đoạn đại tràng nào bị đờ (nghĩa là giảm co bóp) và mức độ đờ nhiều hay ít để chọn lựa phương pháp điều trị nội khoa, dùng kích thích điện hay phẫu thuật.
Kèm theo đó bệnh nhân vẫn phải thay đổi thói quen ăn uống và lối sống để giúp cho đại tràng hoạt động tốt hơn. Cuối cùng nếu xác định được yếu tố gây bệnh và điều trị tốt thì bệnh nhân hoàn toàn có thể khỏi bệnh và trở lại với cuộc sống bình thường.
Copyright © 2019. Diendanbenhtri.com